Bạn có thể dành cả ngày để vừa lang thang phố xá, vừa thưởng thức các món ăn vặt từ sáng sớm cho tới đêm khuya, no căng mà tiền thì cũng không vơi đi là mấy...
1. Nem chua nướng số 10 Ấu Triệu
Quán nem chua nướng số 10 Ấu Triệu mở cửa từ 14h cho tới 0h sáng. Tuy được gọi là quán nhưng nơi này rất đơn giản. Bàn ăn ở đây thực chất chỉ là những chiếc khay đặt trên ghế xanh xếp liền nhau và đặt ở một phía của ngõ để không chắn đường đi lại.
Không giống nem chua rán vốn khô và có màu vàng ruộm, nem chua nướng vẫn giữ nguyên được màu hồng tươi của thịt cùng với một chất keo dinh dính bao bọc bên ngoài. Chấm một chút ớt trong chiếc bát đựng nhỏ, mùi thơm cùng miếng nem nướng như hòa quyện và tan ra khi đưa lên miệng. Ngoài nem nướng, bạn còn có thể chọn những món nhắm khác như cá chỉ vàng, cá bò hay mực nướng...
Giá bán cho một chiếc nem chua nướng ở đây là 4.500 đồng, trà đá 3.000 đồng một cốc, trà chanh 7.000 đồng một cốc, hoa quả khoảng 15.000 đồng một đĩa.
2. Nem lụi phố Phan Huy Ích
Nem được làm từ giò sống, vo tròn sau đó ghim vào que tre đem nướng trên than hoa, có khi ấn dẹp quấn vào cây sả để nướng. Món này dùng tương đậu nành pha với gan xay nhuyễn, nấu lên nêm vào tí đường, nước chấm hơi sền sệt, phía bên trên rắc lạc rang.
3. Nem rán ngõ Tạm Thương
Nem chua được làm từ thịt, bì lợn, thính (gạo rang rồi nghiền), nhờ có sự lên men do được ủ kín từ 2-3 ngày mà nem khi chín có vị chua, ngậy hấp dẫn, khi đem rán dậy lên mùi rất thơm. Nem rán phải thưởng thức lúc nóng mới ngon, vừa ăn vừa chấm tương ớt cho đỡ ngấy, hòa quyện cùng vị thanh mát của những lát dưa chuột quả là ngon tuyệt.
Nem rán chua có thể ăn kèm với nhiều loại hoa quả khác nhau, nhưng phổ biết nhất là củ đậu, dưa chuột, xoài… Nếu bạn chỉ thưởng thức nem cùng vài đồ ăn kèm thì khoảng 80.000 đồng là đủ cho hai người.
4. Bún ngan và chả ngan nướng ở vỉa hè phố Hàng Bông (gần ngã tư Phủ Doãn, Hà Nội)
Nằm trên vỉa hè phố Hàng Bông, gần ngã tư Phủ Doãn (Hà Nội), quán ngan Hiền nằm lọt thỏm giữa những cửa hàng thời trang nên không phải ai cũng biết tới quán này. Nhưng khi đã ăn ở đây một lần, bạn sẽ không quên được vị đậm đà của món chả ngan, đặc sản của quán cùng món canh măng thơm ngọt.
Thịt ngan được tẩm ướp gia vị, rồi nướng trên bếp than hoa. Sau khi nướng xong, những miếng chả vẫn giữ được vị thơm ngọt của thịt ngan. Chả ăn kèm với nước mắm ớt tỏi, loại nước mắm này được cô chủ pha chế đặc biệt không giống bất kỳ hàng chả ngan nào khác.
Bạn có thể ăn kèm chả ngan với bún, bạn cũng nên gọi thêm một bát canh măng tiết ăn kèm để phòng khi bạn cảm thấy chưa đủ no. Canh măng ở quán Hiền có vị ngọt và ngậy của xương ngan, bạn nhớ gọi bát nước trong nếu không muốn ăn quá nhiều mỡ béo.
Quán ngan Hiền bắt đầu mở cửa vào lúc chiều muộn và bán tới tận khuya.
5. Chè xoài Nguyễn Trường Tộ
Nhiều người Hà Nội từng ăn chè xoài, cũng có người chưa biết đến món này. Nhưng nếu đã ăn và thích vị thanh ngọt của món chè lạ, thực khách đều tìm đến đầu phố Nguyễn Trường Tộ, nơi có hàng chè đông khách nhất Hà Nội.
Nằm ở số 2 Nguyễn Trường Tộ, đoạn giao với phố Hàng Than, hàng chè Hong Kong luôn tấp nập khách đến ăn. Quán có hàng chục món chè, thạch rau câu nhưng hầu hết mọi người đều nếm thử chè xoài trước tiên, rồi mới lựa chọn các loại khác.
Xoài được cắt miếng, đem nấu đông cùng rau câu rồi để ra bát nhỏ. Tiếp đến cho một lớp kem trộn sữa lên bề mặt. Vì thế khi ăn, thực khách sẽ cảm thấy vừa có vị béo ngậy của sữa, vừa có vị thanh của xoài. Mỗi bát chè xoài có giá 8.000 đồng.
6. Phở rán ở 206 Khâm Thiên
Từ miếng bánh phở lớn và trắng mềm ban đầu, đầu bếp sẽ cắt thành những miếng vuông chừng khoảng nửa bàn tay. Sau đó, bánh được rán sơ qua cho vàng đều, và khi có khách gọi, bánh sẽ được rán giòn và hơi cháy cạnh thơm phức.
Khi cho ra đĩa, phở rán sẽ như những chiếc bánh pizza nhỏ, có vị thơm của bánh, ăn vào cảm thấy giòn tan ở lớp ngoài, và mềm dai ở lớp bánh bên trong. Phở sẽ ăn kèm với nước sốt thịt bò nóng hổi. Nước sốt đặc sánh, gồm thịt bò, hành tây, cà rốt và tim cật, bầu dục (nếu bạn gọi suất đầy đủ). Bạn có thể thêm một chút dấm, dưa góp, su hào ngâm và rau sống vào bát nước sốt để thêm khẩu vị ưa thích.
7. Lòng nướng phố Gầm Cầu
Cùng với Mã Mây, phố Gầm Cầu (Hà Nội) là điểm hẹn quen thuộc của giới trẻ mỗi khi nhớ món nướng. Ở đây có khá phong phú các loại nguyên liệu như lòng, dạ dày, tràng, cổ hũ, bò, nầm... Để tạo chút khác biệt, nhà hàng thường tẩm mật ong trước khi nướng nên ăn cũng thấy lạ lạ.
Lòng nướng chấm với tương ớt pha loãng. Những miếng lòng, dạ dày sần sật, giòn giòn có thêm vị cay cay, ăn cũng hay hay.
8. Sữa chua mít Hoàng Anh 22 Bà Triệu
Nằm ở số nhà 22 phố Bà Triệu, đoạn gần ngã tư Hàng Khay - Tràng Thi rẽ xuống, quán sữa chua mít nhỏ xíu Hoàng Anh nằm ngay trên vỉa hè. Chỉ với một tủ kính đơn giản, quán lúc nào cũng đông kín khách ngồi khoảng 20 chiếc ghế.
Ở đây có đa dạng các món chủ yếu chế biến từ sữa chua như chè sữa chua, sữa chua hoa quả, sữa chua trân châu thạch, sữa chua nếp cẩm, đặc biệt là sữa chua mít.
9. Bánh cuốn Thanh Vân ở Hàng Gà, Gia An ở Thái Phiên
Nổi danh nhất nhì ở Hà Nội, bánh cuốn Thanh Vân mở hàng cách đây hàng chục năm, đây là địa chỉ quen với dân Hà thành và nơi "nhất định phải đến" của khách du lịch.
Điểm hút khách chính của quán chính là chất lượng bánh, mỏng, mềm, nhân cũng rất ngon. Nhà hàng có món bánh cuốn nhân gà, 30.000 đồng một đĩa, thịt gà được cắt nhỏ xíu lẫn với mộc nhĩ. Hành khô của hàng cũng tự làm nên ăn giòn, không bị khô, ỉu và có mùi hôi như loại làm hàng loạt, giao khắp các hàng. Ruốc tôm của nhà hàng được xay mịn, ăn cũng khá ngon.
10. Bánh mì sốt vang 252 Hàng Bông
Thịt bò dùng để làm sốt vang chính là giẻ sườn và cho thêm chút gân bò. Thịt sau khi được tẩm ướp gia vị, sẽ được hầm lên cùng một chút rượu để làm cho thịt bò mềm và thơm.
Nước sốt được đổ vào hầm với thịt, và các gia vị khác, cùng với một ít bột năng để tạo độ sánh cần thiết. Khi nước sốt đã sánh đặc vừa phải, đầu bếp cho thêm rau húng Láng, mùi ta, hành thái nhỏ để cho dậy mùi.
Bánh mì ăn kèm phải đảm bảo nóng, giòn vàng ươm thì đặt cạnh bát bò sốt vang mới ngon và bắt mắt được.
11. Mỳ vằn thắn Bình Tây ở phố Hàng Chiếu
Một bát mỳ vằn thắn gồm có mỳ, vằn thắn (hay còn gọi là sủi cảo). Sợi mỳ được làm từ bột và trứng, sau đó cán mỏng nên sợi vừa dai vừa giòn, lại giữ được màu vàng ươm bắt mắt. Vằn thắn có nhân là tôm tươi giã nhỏ, nấm hương và thịt, được gói trong một lớp bột mỳ cán mỏng.
Ngoài ra, đầu bếp cho thêm thịt xá xíu, nấm hương, một miếng trứng luộc, miếng bóng, rau cải, hẹ và tôm tươi đã bóc vỏ. Nước dùng được ninh từ xương gà, xương lợn, cá tầm khô, một số vị thuốc bắc và vỏ tôm. Nước dùng không được cho mỳ chính và được thêm muối thích hợp để không át hương liệu đã có trong nồi nước dùng.
12. Bánh rán ngõ 135 Phương Mai
Nhân bánh cũng gồm thịt nạc vai, miến, mộc nhĩ, tất cả được băm nhỏ, trộn đều cùng gia vị và hạt tiêu để dậy mùi thơm. Nhưng điểm đặc biệt của cửa hàng lại nằm ở phần vỏ bánh. Vỏ bánh ngoài bột nếp, bột tẻ pha đủ lượng với một chút muối còn được cho thêm khoai nghiền nhuyễn, giúp chiếc bánh thật giòn rụm mà không quá khô.
Thỉnh thoảng cô chủ hàng còn dùng khoai tím, khiến chiếc bánh có màu sắc khác lạ, hương vị cũng thơm ngon hơn gấp mấy lần. Nước chấm ở quán rất vừa miệng, kèm theo đu đủ xanh chống ngán. Quán mở từ 16h tới 19h, giá 3.000 đồng một chiếc.
13. Bánh đúc nóng phố Lê Ngọc Hân
Hàng bánh đúc ở Hà Nội này nổi tiếng từ cách đây khoảng chục năm, là điểm ăn quà yêu thích của các bạn học sinh. Bột làm bánh đúc vừa mềm lại vừa dai có vị ngậy và ấm nóng. Ngoài ra, bánh có vị ngọt của thịt xay và nước dùng, một vài miếng đậu rán dai dai và chút rau thơm, rau mùi cũng là những thành phần không thể thiếu.
Bạn sẽ cảm nhận được sự hòa quyện của bánh, thịt và nước cùng với các gia vị đi kèm như ớt chưng, cùng dấm tỏi ớt. Mỗi bát bánh đúc nóng có giá 13.000 đồng.
14. Xôi cá rô đồng ở ngõ 107 Nguyễn Chí Thanh
Chế biến món ăn này mất thời gian nhất ở đoạn làm cá. Cá rô đánh vẩy, luộc, để nguội rồi tách lấy phần thịt. Sau đó, đem cá ướp với nước mắm, thêm chút hạt tiêu cho thơm. Đợi thịt cá ngấm với gia vị, đem chiên vàng. Xôi nếp trắng ăn kèm cá thêm chút hành phi. Suất xôi cho một người là 25.000 đồng kèm thêm bát canh cải xanh con con, khiến khách đỡ khô miệng và đỡ ngán.
15. Tào phớ Nghĩa Tân
Quán tào phớ nằm đối diện trường cấp 2 Nghĩa Tân (Cầu Giấy, Hà Nội) là địa điểm tụ tập của nhiều học sinh, sinh viên cũng như giới văn phòng làm việc quanh khu vực này. Tào phớ ở đây mịn, mướt và có màu ngà tự nhiên chứ không mang màu trắng của thạch cao hay các loại phụ gia thực phẩm khác. Đưa một miếng tào phớ lên miệng, vị ngọt thanh của nước đường, sự mịn màng thanh nhã của tào phớ và mùi thơm của hoa nhài khiến cho cơn khát mau chóng được giải tỏa.
Từng hạt trân châu tự làm nõn nà, trắng mẩy khi đưa lên miệng vừa dai lại vừa thơm nhân dừa. Thêm một chút thạch đen nữa là dư vị của bát tào phớ cứ đọng mãi trên đầu lưỡi không nguôi. Tinh thần con người lúc ấy cũng trở nên nhẹ nhàng và sảng khoái hơn. Bạn cũng có thể yêu cầu cho thêm cốt dừa nếu như muốn bát tào phớ của mình thêm béo ngậy hấp dẫn.
Mỗi bát tào phớ như vậy có giá chỉ 6.000 đồng. Quán thường mở từ khoảng 10h cho tới 17h.
16. Bánh rán Ô Quan Chưởng
Nằm ngay gần Ô Quan Chưởng (Hà Nội), cửa hàng bánh rán nhân đậu đường bán hàng không ngớt tay. Bánh làm từ bột, đậu xanh có điểm thêm chút vừng cho thơm. Điểm đặc biệt của bánh rán ở đây chính là bánh nhỏ xíu xiu, nên chỉ một miếng đã ăn xong rồi. Mỗi cái bánh có giá 1.000 đồng.
17. Chả rươi ở ngay gần Ô Quan Chưởng
Những ngày đầu tháng 10 Âm lịch chính là dịp rươi xuất hiện ở chỗ nước lợ. Khi đó, người dân các tỉnh lại đi vớt rươi đem về chế biến chả rươi, nem rươi, rươi kho, mắm rươi...
Món chả rươi gồm rươi đánh nhuyễn, trứng, thịt lợn băm nhỏ thêm hành, thì là và vỏ quýt... hòa quyện vào nhau, đem rán. Vỏ quýt được thái chỉ nhỏ khiến cho miếng chả thơm lừng, nhưng cũng không nên cho quá tay kẻo miếng chả bị đắng.
Chả rươi ăn nóng, kèm với rau sống, chấm nước mắm chua cay, thêm chút đu đủ.
18. Bánh rán lúc lắc ở trong cửa hàng Gia Trịnh ngõ 17A Lý Nam Đế
Bánh không chỉ ngon mà còn lạ bởi nhân đậu tròn tròn bên trong tách rời riêng với vỏ bánh. Nguyên liệu làm bánh rán lúc lắc cũng không quá cầu kỳ, chỉ là khoai tây, bột nếp, đường và vừng trắng. Nhân bánh có đậu xanh, đường, bột mì...
Khi rán, để bánh được tròn đều, phải canh độ to nhỏ của lửa và thời gian rán cẩn thận. Mỗi chiếc bánh có giá 2.000 đồng.
19. Bún đậu chị Huệ vỉa hè Lý Thường Kiệt
Cũng giống như các món ăn dân dã khác của Hà thành, bún đậu được bán cả trên phố lớn lẫn các con ngõ nhỏ. Hàng to hoành tráng cũng có mà chỉ là gánh hàng rong của mấy bà mấy chị cũng nhiều. Dù thành phần của món ăn cũng đơn giản thôi nhưng nguyên liệu phải được lựa chọn thật kỹ càng, nhất quyết là phải chọn bún lá chứ không chơi bún rối, bún sợi to, được bún Phú Đô là tuyệt nhất.
Mắm tôm thì chọn hàng quen của mấy bà mấy chị Thanh Hóa hay mua trên chợ Hàng Bè, gia giảm khéo léo, cho thêm chút nước mỡ rán đậu. Đậu phụ Mơ là ngon nhất, khách tới, mới bỏ vào rán chứ rán lại thì đậu dễ bị rỗng, ăn không ngon.
20. Xôi rán ở ngã tư Bát Đàn - Hàng Điếu
Khi khách tới ăn, chủ hàng mới đem xôi ra rán cho nóng giòn. Xôi trắng được bọc trong nilon, nắm chặt cho các hạt xôi dính quyện vào nhau, dàn mỏng ra rồi cho vào chiếc chảo nhỏ xíu rán vàng hai mặt. Bên ngoài, xôi chín vàng, bên trong vẫn còn nguyên những hạt xôi trắng dẻo thơm ngon. Xôi rán có thể ăn kèm với trứng kho, lạp xườn, thịt kho, giò chả, patê...
Với khách mua đem về, em bán hàng cũng khéo léo cho xôi vào lá chuối xanh mướt, gói cẩn thận để giữ nóng. Giá một gói xôi có đồ ăn kèm từ 20.000 đồng trở lên.
Theo Tạp chí Guu
0 nhận xét:
Post a Comment