GS Trịnh Xuân Thuận
Coi đây là cơ hội để thỏa mãn mối quan tâm đến vũ trụ của mình, nhiều bạn đọc đã gửi những chùm câu hỏi lên tới 4-5 câu liên tiếp, thậm chí là 9 câu.
GS Thuận bày tỏ, ông hi vọng có thể giúp cho nền Vật lý thiên văn ở Việt Nam phát triển, đáp ứng khao khát hiểu biết và chiêm ngưỡng vũ trụ của người Việt.
Như một bản năng, sự sống, linh hồn, tiền kiếp là những từ khóa được độc giả nói đến nhiều nhất.
Sự sống của con người liên quan đến tuổi thọ của Trái Đất là một sự gặp gỡ tình cờ và đáng quý trong mối quan tâm của bạn đọc.
Trước những thông tin về số phận Trái Đất, bạn đọc Lê Thanh Sơn (Hà Nội) hi vọng: “Con người có thể can thiệp bằng cách cung cấp thêm nguyên liệu để kéo dài quá trình hoạt động của mặt trời được không?”. Là nhà khoa học, GS Trịnh Xuân Thuận đã dành ưu ái để giải đáp điều này.
Sự kết hợp tuyệt đẹp của khoa học và Phật giáo ở GS Thuận cũng là vùng trũng hút câu hỏi như một sự gặp gỡ với suy tư của bạn đọc:
Bạn đọc Đông Bích (Hà Nội) băn khoăn:
“Càng nghiên cứu về tôn giáo, tín ngưỡng của các tộc người cổ đại tôi càng thấy giữa tôn giáo của họ và thiên văn học có nhiều mối liên hệ về mặt tư duy. Tuy nhiên, với khả năng hiện nay, tôi chưa xác định được rõ mối liên hệ ấy là gì?”; bạn đọc Vũ Thị Anh Hằng (Hà Nội) “Lượng tử và Hoa sen là quyển sách của GS viết dưới góc độ mối quan hệ giữa Phật giáo và Vật lý học, bằng một câu ngắn gọn nhất Giáo sư có thể nói lên mối quan hệ này được không?”
Kết tinh của một nhà khoa học và một phật tử trong GS Trịnh Xuân Thuận khiến ông rất vui vẻ thể hiện sự đồng cảm với những suy tư từng trải qua.
Do lịch công tác dày đặc trong thời gian lưu lại Việt Nam, mặc dù tỏ ra rất thích thú với những câu hỏi của bạn đọc VietNamNet nhưng GS Trịnh Xuân Thuận chỉ có 1 giờ ngắn ngủi để giải đáp trước khi ra sân bay.
Trong một giờ làm việc gấp gáp và tập trung, GS Trịnh Xuân Thuận cùng ekip thực hiện chương trình đã cố gắng khái quát và đáp ứng những nội dung được nhiều bạn đọc quan tâm nhất.
Vào một dịp khác, GS Thuận mong muốn sẽ được quay trở lại với người yêu thiên văn ở Việt Nam và chia sẻ niềm đam mê chiêm ngưỡng vũ trụ. Dưới đây là những nội dung đã được GS Trịnh Xuân Thuận chọn lọc và trả lời bạn đọc.
Ninh Duy Sự, nam, 38 tuổi
Thưa giáo sư, trước hết cháu xin kính chúc giáo sư mạnh khỏe, hạnh phúc và có thêm nhiều cống hiến cho nền khoa học của loài người. Xin hỏi giáo sư: Sau lần về thăm quê hương này, giáo sư đã có kế hoạch gì để trực tiếp giúp nền khoa học nước nhà phát triển hơn (như giáo sư Ngô Bảo Châu đã làm) hay không? Xin cảm ơn giáo sư!
GS Trịnh Xuân Thuận: Trong lần về Việt Nam này, tôi đã gặp gỡ nhiều lãnh đạo các trường đại học. Ở Việt Nam hiện nay, Vật lý thiên văn chưa được giảng dạy ở đại học và cũng chưa có nghiên cứu về lĩnh vực này, chưa có kính thiên văn lớn để phục vụ nghiên cứu. Cá nhân tôi luôn sẵn sàng giúp đỡ để Vật lý Thiên văn có thể phát triển ở Việt Nam. Tuy nhiên, tôi nghĩ đây không chỉ là vấn đề khoa học mà còn là là vấn đề chính trị vĩ mô. Các nhà lãnh đạo của chúng ta cần chú trọng phát triển khoa học cơ bản, tức là phải có tiền đầu tư vào khoa học cơ bản . Tôi mong các nhà lãnh đạo nhìn xa và đầu tư vào khoa học cơ bản để mai kia có thể đầu tư vào vật lý thiên văn.
Bảo Thơ, nữ, 30 tuổi
Thưa giáo sư, Cháu được biết bác còn là một Phật tử, mong bác cho biết mối liên hệ giữa vũ trụ và Phật giáo? Phật giáo có ảnh hưởng như thế nào trong các nghiên cứu về vũ trụ của Bác? Cháu cảm ơn bác nhiều và kính mong bác luôn mạnh khoẻ, an lạc.
GS Trịnh Xuân Thuận: Tôi đã rất quan tâm đến Phật giáo vì Phật giáo có một cách rất khoa học để nhìn về vũ trụ.
Nhưng khoa học và Phật giáo là hai cách nhìn về vũ trụ và không nên dùng Phật giáo để chứng minh cho khoa học hoặc dùng khoa học để chứng minh cho Phật giáo.Vì Phật giáo và khoa học là hai lối suy tư khác nhau. Đó là hai cái nhìn thực tại có tương đồng với nhau.
Ví dụ: đạo Phật nói cái gì cũng vô thường thì tất cả khoa học trong thế kỷ 20 đều nói vũ trụ phải thay đổi từ lúc sinh ra (Big Bang) cho đến bây giờ.
Mà tất cả những gì trong vũ trụ đều phải thay đổi hết. Các ngôi sao sinh ra sống cuộc đời và chết đi trong mấy triệu năm hoặc mấy tỉ năm.
Phật nói mọi sự kiện trong vũ trụ đều liên hệ với nhau thì tất cả khoa học thế kỷ 20 cũng nói điều đó. Ví dụ khoa học nói chúng ta là con đẻ của các ngôi sao, và tất cả các sinh tố trong người chúng ta, trừ hydrogen va helium đều bởi các ngôi sao tạo ra. Vậy chúng ta là anh em của các sinh vật khác. Vậy khoa học và Phật giáo có rất nhiều sự tương đương với nhau.
Tôi nghĩ vấn đề tâm linh rất quan trọng với một nhà khoa học vì khoa học không thể cho chúng ta biết cái gì phải hoặc trái, chỉ có tâm linh như là đạo Phật mới cho ta biết, chỉ cho chúng ta một cách sống sao cho phải với gia đình và người khác xung quanh chúng ta.
Nguyễn Trí Hiếu, nam, 18 tuổi
Theo những gì em biết thì mọi vật chất đều có tuổi thọ hữu hạn. Và như vậy trái đất của chúng ta rồi cũng sẽ diệt vong. Thưa Giáo sư, điều em hiểu như vậy có đúng không ? Tương lai trái đất của chúng ta rồi sẽ như thế nào ? Liệu loài người có phương cách gì thay đổi được số phận của trái đất không?
GS Trịnh Xuân Thuận: Tương lai của trái đất tùy thuộc vào số phận của mặt trời. Sự sinh sống trên trái đất phải có năng lượng của mặt trời. Mà Vật lý thiên văn nói rằng mặt trời chỉ sống được 4,5 tỷ năm nữa thôi.
Trong 4,5 tỷ năm nữa mặt trời sẽ chết đi và trở thành một ngôi sao lùn không có năng lượng nữa. Như vậy sẽ không có sự sinh sống gì trên trái đất nữa. Không có phương pháp gì để thay đổi số phận trái đất. Sau 4,5 tỉ năm, nếu nhân loại còn sống thì phải đi tìm ngôi sao khác và dùng năng lượng của nó để tồn tại.
Vũ Văn Hạnh, nam, 27 tuổi
Kính chào giáo sư. Kính chúc giáo sư và gia đình mạnh khoẻ! Trên con đường chinh phục đỉnh cao khoa học, làm thế nào giáo sư vượt qua được những chi phối của cơm áo gạo tiền hàng ngày?
GS Trịnh Xuân Thuận: Tôi may mắn được các trường ĐH Mỹ cho tôi học bổng cả lúc tôi làm cử nhân và tiến sỹ. Để có tiền phụ thêm tôi đi làm những công việc nhỏ lúc mùa hè không phải đi học.
TRẦN HỮU TIẾN, nam, 44 tuổi
Xin chào giáo sư ! Tôi là đọc giả của hầu hết tác phẩm của giáo sư tại Việt Nam, và thích nhất là tính triết lý mang màu sắc thiền trong các trang sách của ông.Vậy theo ông đâu là ý nghĩa cho sự tồn tại của loài người khi mà thời gian xuất hiện của họ chỉ là một ánh chớp trong quá trình tiến hóa của vũ trụ,tương lai của trái đất này sẽ phụ thuộc vào cái gì: tiến hóa, các nhà chính trị hay đấng siêu nhiên? Mong được nghe ý kiến của giáo sư.
GS Trịnh Xuân Thuận: Đối với tôi, ý nghĩa sự tồn tại của loài người là để chiêm ngưỡng sự hài hòa và vẻ đẹp của vũ trụ. Vũ trụ sẽ không có nghĩa lý nếu không có chúng sinh có tri thức để chiêm ngưỡng nó.
Nguyễn Bùi Anh Dũng, nam, 18 tuổi
Thưa giáo sư! Cháu là một người rất đam mê thiên văn học. Cháu được biết việc biến đổi khí hậu hiện nay đang có hai luồng tranh luận trái chiều nhau. Có những nhà khoa học nói rằng đó chỉ là sự biến đổi theo quy luật của Trái Đất, những vận động của Trái Đất làm cho khí hậu biến đổi, con người chỉ tác động rất nhỏ đến sự nóng lên của Trái Đất. Còn quan điểm của một số nhà khoa học khác nói rằng những hoạt động của con người đang là nguyên nhân chính làm cho khí hậu trên Trái Đất nóng lên, quan điểm này đươc đa số ủng hộ hơn. Vậy ý kiến của giáo sư về vấn đề này như thế nào? Cháu xin cảm ơn giáo sư!
GS Trịnh Xuân Thuận: Theo tôi, sự nóng lên của Trái Đất là do con người. Các nhà khoa học đã quan sát là từ khi con người phát minh ra khoa học kỹ thuật thì CO2 đã tăng lên rất nhiều trong không khí của trái đất. Đây là nguyên nhân làm cho Trái Đất nóng lên. Vậy chúng ta phải thay đổi lối sống của chúng ta, không dùng những xăng, dầu để chạy xe nữa. Nếu không Trái Đất sẽ trở nên quá nóng để nhân loại có thể ở và sinh sống được.
Chúng ta phải bảo vệ Trái Đất.
Nguyễn Anh Tuân, nam, 25 tuổi
Được biết, giáo sư là người nổi tiếng về khoa học vũ trụ, cho nên cho cháu hỏi, vũ trụ này là hữu hạn hay là vô hạn, chúng ta có thể đếm được các hành tinh trên vũ trụ này không, và ngoài trái đất chúng ta sống thì có hành tinh nào giống như trái đất của chúng ta, có con người đang sống không vậy? giao sư giải đáp cho cháu, cháu cảm ơn giáo sư nhiều.
GS Trịnh Xuân Thuận: Hiện giờ, khoa học thiên văn nói rằng chúng ta đang ở trong một ngân hà có 100 tỷ ngôi sao như Mặt trời và có 100 tỷ ngân hà trong vũ trụ.
Vậy nếu mỗi ngôi sao có một hệ có 10 hành tinh thì số hành tinh trong vũ trụ là 10 x 100 tỷ x 100 tỷ. Vì vậy, tôi nghĩ rất có thể có sự sinh sống khác trên một hành tinh khác trên vũ trụ.
Hiện tại, chúng ta chưa tìm được dấu hiệu của một sự sinh sống của người ngoài loài người trong vũ trụ.
Hiện nay, các nhà thiên văn đã tìm ra được khoảng 1500 hành tinh ngoài hệ mặt trời.
Phần đông các hành tinh lớn hơn trái đất và bằng khí nên không có sự sinh sống được. Nhưng cũng có một số hành tinh giống như Trái Đất.
Hiện giờ, chúng ta đang tìm xem có nước ở trên đó không, xem có thể sinh sống được không? Chúng ta cũng đã tìm kiếm xem có làn sóng radio nào từ các hành tinh khác đến nhưng đến nay vẫn chưa thấy có.
Những tin đồn về UFO và người ngoài hành tinh đến thăm trái đất, tôi không tin vì không có bằng chứng khoa học cụ thể gì.
Tôi nghĩ nếu có người ngoài hành tinh đến thăm trái đất thì họ đã đến Liên Hiệp Quốc là đại biểu cho cả nhân loại trên trái đất chứ không đến một đồng quê chỉ có một vài người thấy.
Trịnh Thế Khải, nam, 30 tuổi
Xin giáo sư cho biết hiện nay khoa học có cơ sở, chứng cứ nào chứng minh có sự tồn tại của linh hồn hay không? Vấn đề về tiền kiếp dưới góc độ khoa học được xem xét như thế nào?
GS Trịnh Xuân Thuận: Tới giờ, khoa học vẫn chưa trả lời được những vấn đề về linh hồn sau sự chết của thân thể vật chất và những vấn đề về tiền kiếp.
Đỗ Thành Nhân, nam, 42 tuổi
Xin Giáo sư vui lòng chia sẻ một vấn đề mà cháu vẫn còn chưa chắc chắn lắm đó là: Dựa vào cơ sở nào để có thể tin được sự thực là người Mỹ đã đặt chân lên mặt trăng hay chưa?
GS Trịnh Xuân Thuận: Các nhà du hành vũ trụ người Mỹ đã đem đá của Mặt trăng về trái đất và các vật thể đó rất khác những vật thể của trái đất.
Thu Sinh, nữ, 23 tuổi
Thưa giáo sư, các nhà nghiên cứu tại Cơ quan nghiên cứu hạt nhân châu Âu (CERN) gần đây đã làm thí nghiệm với máy gia tốc và phát hiện hạt neutrino có thể đạt vận tốc lớn hơn ánh sáng. Như vậy, khẳng định của Einstein (không có vật chất nào trong vũ trụ có thể di chuyển nhanh hơn tốc độ ánh sáng) là chưa đúng. Xin giáo sư cho biết quan điểm của mình về vấn đề này. Xin chân thành cảm ơn giáo sư!
GS Trịnh Xuân Thuận: Sự so sánh tốc độ hạt Neutrino đối với ánh sáng rất khó ( chỉ cách nhau 60 nano giây). Vậy chúng ta phải có kiên nhẫn để chờ đợi các nhóm khoa học khác dùng các dụng cụ khác đo lại việc đó xem có đúng không? Nếu trong tương lai, các nhóm khoa học khác cùng thấy sự kiện đó thì lúc đó chúng ta mới phải suy nghĩ về vấn đề sửa đổi lý thuyết tương đối của Einstein. Hiện giờ thì quá sớm.
0 nhận xét:
Post a Comment